💡
Một chút lịch sử ngắn gọn về ALPINA: khởi đầu là một nhà sản xuất… máy đánh chữ, tuy nhiên vào năm 1962 thì Burkard Bovensiepen (có thể coi là founder của nhà độ ALPINA) đã rất thành công với bộ chế hòa khí đôi chuẩn Weber dành cho chiếc BMW 1500. Được đánh giá cao bởi chính BMW cũng như báo giới truyền thông thời đó, sản phẩm này được cấp chứng chỉ bảo hành chính hãng từ nhà máy như mọi bộ phận khác của chiếc xe. Dần dà, Alpina hình thành hướng đi chủ đạo cho mình: tinh chỉnh một số chi tiết như chế hòa khí, trục khuỷu… để tạo ra 1 chiếc BMW mạnh mẽ hơn, phong cách lái thể thao hơn (các bác để ý kĩ logo ALPINA là thấy rõ hình vẽ chế hòa khí đôi và trục khuỷu).

Ngay từ cuối những năm 60s thì ALPINA đã quyết định tạo ra một mẫu mâm hợp kim “hàng thửa” dành riêng cho những chiếc BMW độ của mình. Thời đó dân tình có vẻ rất thích thú với những form mâm hợp kim - một minh chứng cụ thể là Porsche vào thời gian này cũng sở hữu một thiết kế mâm hợp kim mang tên “fuchs design” cực nổi tiếng và thành công.

Khi BMW đưa dòng xe E9 - coupe thể thao tiền thân cho dòng 6 Series - vào dây chuyền sản xuất, hãng đã trang bị cho các phiên bản từ 2800CS trở lên bộ mâm 5 chấu kép - tuy nhiên đây lại là lựa chọn duy nhất mà khách hàng có khi đặt mua xe. Cùng lúc đó thì xe độ ALPINA đã có tới 2 tùy chọn mâm xe thửa: Borrani và ELECTRON (đều là các hãng thứ 3), tuy nhiên cả 2 mẫu vành này đều không đủ “thửa” để cạnh tranh được với mâm aftermarket giá rẻ hơn, mẫu mã bắt mắt hơn ngoài thị trường.

Với tư cách một nhà độ xe bán part để tồn tại thì đương nhiên điều này cần phải thay đổi. ALPINA cần tạo ra một thiết kế đậm chất riêng, thực sự khác biệt với phần còn lại của thị trường cho dòng sản phẩm mâm xe hợp kim trọng lượng nhẹ của mình. Và khi nói tới một mẫu vành trọng lượng nhẹ, thì thực sự “nhẹ” cần phải là một yếu tố then chốt quyết định tính chất của bộ mâm.

Sau quãng thời gian nghiên cứu thì hãng đã thấy rằng, mâm xe nhiều nan (multi-spoke) chính là design lí tưởng nhất cân bằng giữa trọng lượng nhẹ và độ bền cao. Thêm vào đó, để sự phân bổ lực tác động từ các nan tới phần trung tâm được tối ưu hơn, thiết kế mâm nên được chia ra 5 chấu chính - tương đương với 5 ốc siết mâm. Nghe có vẻ không có gì cao siêu lắm vì ở thời điểm này ngay cả mâm xe cỏ các bác thường thấy cũng có thiết kế 5 ốc siết - nhưng vào những năm 6x, 7x thì phần lớn vành xe BMW đều là 4 ốc siết. Vì vậy những nghiên cứu của ALPINA là thực sự khác biệt và mang tính đổi mới.

Nhưng giờ đây lại nảy sinh vấn đề: các loại hub bánh xe mà BMW sản xuất theo chuẩn 4 ốc siết khó có thể lắp vừa mẫu vành 5 ốc siết của ALPINA. Vì vậy mà ông Burkhard Bovensiepen đã đưa ra giải pháp tưởng chừng đơn giản nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn đến hình ảnh và “giá trị tinh thần” của ALPINA cho đến mãi sau này: thiết kế mẫu vành 20 nan, đơn giản là bởi 4x5=20 mà thôi.

Vậy là thiết kế mâm 20-spoke của ALPINA ra đời, cùng lúc mà thiết kế vành đa chấu trở nên thịnh hành và ngày càng được ưa chuộng (những năm 70s). Bộ mâm là một phần trong gói nâng cấp xe BMW mà ALPINA đưa ra, với 2 tùy chọn kích cỡ 13” và 14”. Tới năm 1971 thì BMW đã chấp thuận những bộ mâm ALPINA như một trang bị chính hãng từ nhà máy, tiên phong cho option gói trang bị ALPINA bao gồm cả mâm xe chính là chiếc 3.0 CSL.

Và cho đến giữa năm ’75 thì ALPINA đã cho ra lò tới 12,000 chiếc mâm 20-spoke kích cỡ 7x14”.

Vào năm 1999, khi giáo sư Dr. Wolfgang Reitzle (người take care mảng R&D tại BMW Group), nghĩ rằng chiếc X5 E53 cũng cần có phiên bản thể thao ALPINA cho riêng mình, một phiên bản vành ALPINA được thiết kế lại để chịu tải lớn hơn từ một chiếc SAV đa dụng. Vẫn là 20 nan nhưng giờ đây form vành là kiểu 5 chấu tạo hình kiểu ngôi sao, mỗi chấu 4 nan song song. Qua thời gian thì đây trở thành 1 option mâm trên mọi mẫu xe, ngay cả những chiếc sedan thế hệ mới như B3 G20.

Và những bộ mâm 20-spoke biểu tượng của ALPINA vẫn đang viết tiếp câu chuyện của chính mình cho đến tận ngày nay.

Chia sẻ bài viết này